HỎI BỆNH SAO CHO HIỆU QUẢ ?
- Hỏi bệnh rất quan trọng, đừng ngắt lời bệnh nhân vì mọi chi tiết họ nói đều có thể là dữ kiện để chẩn đoán
- Y3 mới đi bệnh viện thường gặp khó trong giao tiếp người bệnh, vài bạn than với mình là hỏi bệnh nhân không trả lời, bạn khác lại nói không biết hỏi cái gì nữa.
- Dĩ nhiên có người dễ tính, người khó tính nhưng hỏi ai cũng không trả lời thì bạn có vấn đề.
- Có một vài kinh nghiệm có thể giúp các bạn hỏi bệnh tốt hơn:
1. Hãy tạo một ấn tượng đầu tiên tốt
Đừng nên bắt đầu tiếp xúc bệnh nhân bằng câu : "tại sao cô/ chú nhập viện ?". " Tên gì, ở đâu, mấy tuổi...". Nếu lịch sự người ta vẫn trả lời nhưng sẽ hay hơn khi bắt đầu bằng một vài câu hỏi xã giao như: "chú ơi hôm nay khoẻ hơn chưa?" hay là " cô bệnh vầy rồi ai nuôi cô?" " nhà có mấy đứa con?". Khi đã quen với bạn, một vài bệnh nhân sẽ tự động khai hết triệu chứng cho bạn nghe mà không cần hỏi.
2. Hãy tỏ ra quan tâm
Tuy khó có thể xem người bệnh như người thân của mình, nhưng vẫn nên đồng cảm với cảm xúc của bệnh nhân. Ví dụ như bạn đang tươi cười hớn hở làm quen, khi hỏi tới bệnh nhân nói "bệnh hoạn vậy không ăn Tết gì được hết bác sĩ ơi", thì nên đổi thái độ sang cảm thông và nói "dạ vậy cũng xui quá hén" hoặc ít nhất là dập tắt nụ cười đi.
3. Hãy cho người ta biết bạn đang lắng nghe
Y3 có một thói quen đó là vừa hỏi bệnh vừa ghi vào sổ, bệnh nhân khai bệnh, bạn ừ à cho có lệ rồi hý hoái ghi ghi chép chép, người ta sẽ cảm thấy không thoải mái. Thay vì vậy bạn hãy cố nhớ chi tiết triệu chứng mà không cần ghi, và mỗi khi bệnh nhân khai bạn phải phản hồi lại bằng lời nói và cử chỉ, ví dụ như: àh vậy hả, dạ,....kèm cái gật đầu, nhìn thẳng.
4. Hãy tóm tắt lại
Bệnh nhân có thói quen khai rất nhiều, đôi khi đi hơi xa, bạn hãy kéo họ trở lại bằng cách tóm lại các vấn đề họ đã khai, một là để tiếp tục hỏi, hai là để kiểm chứng xem mình hiểu đúng không.
5. Hãy biết lựa thời điểm
Lúc bệnh nhân dễ khai thác bệnh sử nhất là lúc vừa vào viện, họ đang rất lo lắng và sẵn sàng khai hết mọi vấn đề khi được hỏi, điều này nên được làm trong đêm trực. Và ngược lại đừng lựa lúc bệnh nhân đang ăn cơm hay đang ngủ mà vào hỏi bệnh nhé các bạn.
6. Hãy sẵn sàng
Nhiều bạn hỏi bệnh vài câu xong chút lại chạy ra hỏi lại vì quên này kia, tốt nhất bạn nên soạn sẵn ra rồi học thuộc lòng. Vì đâu phải triệu chứng nào cũng có 7 thuộc tính, chả lẽ bệnh nhân ho ra máu bạn lại hỏi...lan hướng nào sao? Ví dụ gặp bệnh nhân khó thở thì phải hỏi những thuộc tính gì, bạn soạn ra AEROS gồm A: asociated, E: exacerbate, R: relieve, O: onset, S: severity, rồi áp vô ngay.
* Chú ý, những điều trên không áp dụng được trong ngày thi lâm sàng nhe mấy đứa, chỉ có 30 phút vừa hỏi vừa khám thôi, thời gian đâu mà tạo thiện cảm. Tốt nhất là cứ thú thiệt với bệnh nhân là "bữa nay con thi, cô chú giúp con giùm".
Tóm lại:
Hiện nay sinh viên Y3 rất đông, còn có cả Y4-6, nếu các bạn muốn hỏi bệnh được tốt thì nên tranh thủ lúc sáng sớm và trong các đêm trực, chịu khó một chút sẽ được thực hành nhiều hơn. Hỏi bệnh chính là giao tiếp nên các bạn hãy tìm hiểu thêm về kĩ năng giao tiếp, cả về ngôn ngữ và lời nói.
Chúc các bạn học tốt
#gauctump #hoibenh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét