Chủ Nhật, 8 tháng 10, 2017

MÂY CỦA TRỜI CỨ ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI

Mai là khác rồi
Chờ đợi bao năm cũng lại tới ngày này
Không rõ la mình đang không cảm xúc hay là đang cố kìm nèn cảm xúc nữa
Vế đầu có vẻ có độ tin cậy cao hơn
Tự hỏi không biết nếu không có gì để chờ đợi thì cuộc đời nó sẽ thế nào
Sẽ an nhiên tự tại đời thong dong
Hay cô đơn quạnh quẽ đời long nhong


Kệ cứ tiến về phía trước
Tiến được thì tiến
Biết mây trời bay là bay đi mãi
Gió cuốn mây đi rồi biết về đâu chứ
Dù gì mình cũng đâu có đường lùi đâu
Có vẻ đó là cái động lực lớn nhất haha

Thứ Sáu, 7 tháng 7, 2017

Trái tim khỏe mạnh

Sống như một trái tim khoẻ mạnh
- Hãy mạnh mẽ như cơ tim, dù cuộc sống có đổ vào bạn bao nhiêu tiền tải hay số phận có sắp đặt bao nhiêu hậu tải cản đường, bạn vẫn đơn giản là vẫn giữ vững phân suất tống máu của mình.
- Hãy bền bỉ như nút xoang, dù có bao nhiêu ổ lạc muốn chen ngang giành lấy vị trí chủ nhịp, bạn đơn giản là vẫn giữ vững phong độ và duy trì nhịp nội tại của mình.
- Hãy kiên định như bó His và Hệ Purkinje, dù có bao nhiêu đường tắt nhanh hơn, xung động nhất định phải được dẫn truyền theo con đường đã định từ đầu vì đơn giản đó là đường đúng.
- Hãy lì lợm như mạch vành, dù chuyện gì xảy ra bạn vẫn âm thầm duy trì lưu lượng vành, chỉ khi nào bạn bị hẹp đến 70% lòng mạch, bạn mới phải kêu lên : " Ôi mình chỉ thấy hơi....nặng ngực thôi mà."

- Gấu CTUMP -

Chủ Nhật, 2 tháng 4, 2017

Bệnh sinh sốc


KĨ THUẬT GHI NHỚ - PHƯƠNG PHÁP MỎ NEO

Anchoring Technique
Đọc 1 lần rồi lặp lại đoạn này:
"Đầu tiên bạn phân vật chất ra làm 2 nhóm, bền vững và không bền vững. Nhóm không bền vững sẽ được thao tác riêng lẻ ra và không nên xử lý chung với nhóm bền vững vì chúng có thể ảnh hưởng và thay đổi thuộc tính của nhau. Điều này đôi khi phiền phức và khó để sửa chữa, thậm chí tốn kém do cần xài những nhóm chất khác. Và hãy nhớ một lần chỉ làm đủ lượng , không nên làm quá mức, mỗi lần một ít tốt hơn là quá nhiều vào một lần."
Đọc qua một lần kêu bạn lặp lại đoạn trên sẽ rất khó khăn vì chẳng có gì để gợi nhớ. Nhưng sẽ dễ hơn nhiều nếu đem liên tưởng việc đang kể với ... " giặt đồ: đồ đen và đồ trắng giặt riêng, nếu không sẽ ra màu". Giờ hãy thử lại.
Kĩ thuật gợi nhớ này gọi là Anchoring ( mỏ neo ) , cái neo ở đây là việc giặt đồ sẽ giúp ta bám lấy để nhớ những thứ khác.
Hình tượng hơn, kiến thức giống các hòn đảo trên biển neo dính lại với nhau, bạn muốn khám phá các hòn đảo và biển mới bạn phải lên hòn đảo mình đã khai phá rồi, sau đó nghỉ một đêm rồi mới tiếp tục được.
Cho nên, quan trọng nhất đó là cái mỏ neo phải là thứ ta biết rõ rồi.
Áp dụng cho sinh viên Y khoa, học sinh lý, giải phẫu, vi sinh, hoá sinh xong phải đem ứng dụng trên thăm khám bệnh nhân mới nhớ, còn không chắc chắn sẽ quên hết.
Ngược lại, muốn nhớ cách khám hay nghiệm pháp gì đó hãy liên tưởng lại cơ chế của nó sẽ có cái "mỏ neo" để níu lại kiến thức


HỎI BỆNH SAO CHO HIỆU QUẢ

HỎI BỆNH SAO CHO HIỆU QUẢ ?
- Hỏi bệnh rất quan trọng, đừng ngắt lời bệnh nhân vì mọi chi tiết họ nói đều có thể là dữ kiện để chẩn đoán
- Y3 mới đi bệnh viện thường gặp khó trong giao tiếp người bệnh, vài bạn than với mình là hỏi bệnh nhân không trả lời, bạn khác lại nói không biết hỏi cái gì nữa.
- Dĩ nhiên có người dễ tính, người khó tính nhưng hỏi ai cũng không trả lời thì bạn có vấn đề. 
- Có một vài kinh nghiệm có thể giúp các bạn hỏi bệnh tốt hơn:
1. Hãy tạo một ấn tượng đầu tiên tốt
Đừng nên bắt đầu tiếp xúc bệnh nhân bằng câu : "tại sao cô/ chú nhập viện ?". " Tên gì, ở đâu, mấy tuổi...". Nếu lịch sự người ta vẫn trả lời nhưng sẽ hay hơn khi bắt đầu bằng một vài câu hỏi xã giao như: "chú ơi hôm nay khoẻ hơn chưa?" hay là " cô bệnh vầy rồi ai nuôi cô?" " nhà có mấy đứa con?". Khi đã quen với bạn, một vài bệnh nhân sẽ tự động khai hết triệu chứng cho bạn nghe mà không cần hỏi.
2. Hãy tỏ ra quan tâm
Tuy khó có thể xem người bệnh như người thân của mình, nhưng vẫn nên đồng cảm với cảm xúc của bệnh nhân. Ví dụ như bạn đang tươi cười hớn hở làm quen, khi hỏi tới bệnh nhân nói "bệnh hoạn vậy không ăn Tết gì được hết bác sĩ ơi", thì nên đổi thái độ sang cảm thông và nói "dạ vậy cũng xui quá hén" hoặc ít nhất là dập tắt nụ cười đi.
3. Hãy cho người ta biết bạn đang lắng nghe
Y3 có một thói quen đó là vừa hỏi bệnh vừa ghi vào sổ, bệnh nhân khai bệnh, bạn ừ à cho có lệ rồi hý hoái ghi ghi chép chép, người ta sẽ cảm thấy không thoải mái. Thay vì vậy bạn hãy cố nhớ chi tiết triệu chứng mà không cần ghi, và mỗi khi bệnh nhân khai bạn phải phản hồi lại bằng lời nói và cử chỉ, ví dụ như: àh vậy hả, dạ,....kèm cái gật đầu, nhìn thẳng.
4. Hãy tóm tắt lại
Bệnh nhân có thói quen khai rất nhiều, đôi khi đi hơi xa, bạn hãy kéo họ trở lại bằng cách tóm lại các vấn đề họ đã khai, một là để tiếp tục hỏi, hai là để kiểm chứng xem mình hiểu đúng không.
5. Hãy biết lựa thời điểm
Lúc bệnh nhân dễ khai thác bệnh sử nhất là lúc vừa vào viện, họ đang rất lo lắng và sẵn sàng khai hết mọi vấn đề khi được hỏi, điều này nên được làm trong đêm trực. Và ngược lại đừng lựa lúc bệnh nhân đang ăn cơm hay đang ngủ mà vào hỏi bệnh nhé các bạn.
6. Hãy sẵn sàng
Nhiều bạn hỏi bệnh vài câu xong chút lại chạy ra hỏi lại vì quên này kia, tốt nhất bạn nên soạn sẵn ra rồi học thuộc lòng. Vì đâu phải triệu chứng nào cũng có 7 thuộc tính, chả lẽ bệnh nhân ho ra máu bạn lại hỏi...lan hướng nào sao? Ví dụ gặp bệnh nhân khó thở thì phải hỏi những thuộc tính gì, bạn soạn ra AEROS gồm A: asociated, E: exacerbate, R: relieve, O: onset, S: severity, rồi áp vô ngay.
* Chú ý, những điều trên không áp dụng được trong ngày thi lâm sàng nhe mấy đứa, chỉ có 30 phút vừa hỏi vừa khám thôi, thời gian đâu mà tạo thiện cảm. Tốt nhất là cứ thú thiệt với bệnh nhân là "bữa nay con thi, cô chú giúp con giùm".
Tóm lại:
Hiện nay sinh viên Y3 rất đông, còn có cả Y4-6, nếu các bạn muốn hỏi bệnh được tốt thì nên tranh thủ lúc sáng sớm và trong các đêm trực, chịu khó một chút sẽ được thực hành nhiều hơn. Hỏi bệnh chính là giao tiếp nên các bạn hãy tìm hiểu thêm về kĩ năng giao tiếp, cả về ngôn ngữ và lời nói.
Chúc các bạn học tốt

#gauctump #hoibenh

Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2017

CHUYỆN VỀ HELICOBACTER PYLORI

Vào những năm 80 thế kỷ trước, viêm/ loét dạ dày được xem đơn thuần chỉ do mất cân bằng yếu tố bảo vệ và yếu tố tấn công. Việc điều trị rất khó khăn, hầu như chỉ điều trị triệu chứng.
Lúc đó, có 1 bác sĩ tên Barry Marshall đã đặt ra một giả thuyết, phải chăng có 1 một loại vi khuẩn đã gây loét và thậm chí ung thư dạ dạy. Ngay lập tức, phản ứng của giới y khoa lúc đó là "gì vậy má?", "phê lá đu đủ hả?",.... và ổng bị gán cho nickname đại loại như là "con điên", "não phẳng",... vì như suy luận thông thường : "Làm gì có vi khuẩn nào sống nổi trong môi trường Acid của dạ dày?"
Xui cho con HP là ổng vẫn kiên trì với ý tưởng này, và vào một ngày năm 1984, sau khi thất bại với thử nghiệm trên heo (tại sao là heo??), ổng đã quyết định .... tự uống 1 mẫu nuôi cấy H. Pylori và hy vọng, trong vài năm tới, mình sẽ bị.... loét dạ dày.
Thật vi diệu, khi chỉ 3 ngày sau, ổng bắt đầu nôn ra tới mật xanh, sau đó nội soi dạ dày cho thấy tình trạng viêm dữ dội do sự sinh trưởng của chủng vi khuẩn HP. Lúc đó với cái bụng đau nhói và khuôn mặt xanh lè vì ói quá nhiều, Barry Marshall nở 1 nụ cười mãn nguyện khi nghĩ tới những người đã cười ông ( ta bị loét dạ dày rồi nè muahaha :v )

Nghiên cứu của Barry Marshall được đăng trên Tạp chí Y Khoa Úc năm 1985 và gây ra một trong những thay đổi lớn nhất trong điều trị trong vòng 50 năm. Dĩ nhiên các hãng dược rất hận ổng vì lúc bấy giờ, thay vì tốn hàng đống tiền trong nhiều năm cho antacid thì một liều kháng sinh rẻ tiền trong 2-4 tuần có thể sẽ điều trị dứt điểm viêm loét dạ dày. (hồi đó chắc chưa kháng thuốc như bi giờ)
Năm 2005 ổng được trao giải Nobel cho phát hiện này. (cũng dễ hén).
Rút ra một điều là nếu có ai có tư tưởng kì cục gì đó thì khoan hãy cười vào mặt họ, biết đâu vài năm họ lại uống cái gì đó và phát hiện ra cái gì đó thì sao. Kiểu này có ai đó chứng mình được xơ vữa mạch vành do con vi khuẩn nào đó nữa thì dân can thiệp chỉ có .... móm :v
À nói thêm là ổng vẫn còn sống và khỏe ru tới giờ
Bài báo ở đây cho ai đọc hết :
Marshall BJ, Armstrong JA, McGechie DB, Glancy RJ (1985). "Attempt to fulfil Koch's postulates for pyloric Campylobacter". Med. J. Aust. 142 (8): 436–9. PMID 3982345.

Thứ Ba, 13 tháng 12, 2016

Cơ chế tiếng thổi hở van 2 lá, 3 lá

Series nghe tim từ kênh Khanacademy (vietsub by BS Gấu)
Phần 2: Cơ chế tiếng thổi hở van 2 lá, 3 lá

Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2016

Sống như một cây tre

Loài tre Moso ở Trung Quốc :
- Trong 5 năm đầu dù tưới nước và bón phân ra sao cũng không thấy cao hơn chút nào. Người nông dân cảm thấy rất nản, đôi khi chỉ muốn nghỉ không trồng nữa.
- Tới năm thứ 6, cây tre đột nhiên cao vọt lên, mỗi ngày có thể cao thêm cả mét, và có thể đạt tới 20m trong vòng 1 tháng.
- Lý do rất đơn giản, trong 5 năm cây tre đã tập trung toàn bộ nguồn lực để phát triển một bộ rễ đồ sộ làm nền tảng cho thân cây cao vụt lên một cách vững chắc.
Đọc xong câu chuyện này, "người nông dân " đã hiểu ra một điều: "cây tre" cao chưa nổi là vì "bộ rễ" của nó chưa đủ sâu